Có những tiêu
chuẩn và quy định nghiêm ngặt trong việc sản xuất đồng tiền phổ biến
nhất toàn cầu, từ chọn màu mực, bản in đến việc bảo an, song không phải
ai cũng biết.
1. Mực và giấy
Giấy và mực được sử dụng để sản xuất ra những tờ đôla Mỹ đều thuộc dạng “hàng hiếm”.
Cục Ấn loát Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (BEP) chịu trách nhiệm chính cho việc in
ấn những tờ đôla này, sẽ giám sát và kiểm tra từng mảnh giấy được sử
dụng trong quá trình in ấn. Công ty Crane Paper là đơn vị chính cung cấp
những tờ giấy phục vụ cho việc in tiền. Đồng nội tệ Hoa Kỳ có thành
phần 75% cotton và 25% lanh. Chính sự độc đáo về chất liệu này so với
các loại giấy phổ thông khác đã khiến cho từng tờ đôla Mỹ có hình dáng
và cảm nhận riêng biệt. Xanh lá và đen là 2 loại màu cơ bản được sử dụng
trong mực in của đồng USD. 2 màu này được pha trộn và kiểm tra theo
tiêu chuẩn riêng của BEP. Chất lượng của các loại mực cũng trải qua quy
trình kiểm tra gắt gao trước khi được đưa vào sử dụng.
2. Thiết kế
Các nhân viên của BEP có nhiệm vụ chọn
ra thiết kế chủ đạo, phối cảnh cũng như xử lý tính nghệ thuật của từng
tờ đôla. Trên thực tế, đã có rất nhiều ý tưởng về thiết kế của đồng tiền
này được cân nhắc và tuyển chọn trước khi được bộ trưởng Ngân khố Hoa
Kỳ thông qua. Từng tờ tiền sẽ có những quy định riêng về hình ảnh và bởi
vậy, những nhà thiết kế sẽ không phải mất thời gian chọn ra ý tưởng cho
từng loại tiền. Ví dụ, đồng 10 USD sẽ sử dụng hình ảnh khuôn mặt của
Alexander Hamilton ở mặt trước, còn ở mặt sau sẽ là tòa nhà Bộ ngân khố
Hoa Kỳ. Từ đó, các nhà thiết kế sẽ phát triển các ý tưởng của mình, đồng
thời tham khảo ý kiến của bên khắc để đưa ra nguyên mẫu cuối cùng của
sản phẩm
3. Chạm khắc
Những người chạm khắc sẽ sử dụng thiết
kế của từng mệnh giá để tạo nên những bản khắc 3 chiều. Quy trình này
được làm thủ công, sử dụng các công cụ sắc nhọn và a-xít để cấu thành
nên sản phẩm. Công việc chạm khắc tờ tiền của Mỹ mang tính chuyên môn
hóa cao, khi mà các nhà điêu khắc được chỉ định tách riêng từng công
đoạn tỉ mỉ thay vì chỉ sử dụng 1 người cho toàn bộ công đoạn.
4. In offset
In offset (các hình ảnh dính mực in được
ép lên các tấm cao su rồi ép từ miếng cao su này lên giấy) là công đoạn
đầu tiên trong quy trình in ấn phức tạp này. 10.000 tờ tiền sẽ được in
mỗi giờ và sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính ổn định của màu
mực. Sau đó, chúng sẽ được đem phơi trong 72 giờ đồng hồ trước khi được
chuyển sang công đoạn tiếp theo.
5. In khắc thép
Mực được đưa vào các khuôn đúc sẵn, sau
đó sẽ ép thật chặt lên giấy in với sức nén lớn, đảm bảo tính chính xác
cao của sản phẩm cuối cùng. Kỹ thuật in này được áp dụng với những hình
ảnh, họa tiết, đường cuộn cũng như ký tự của từng mệnh giá khác nhau.
6. Kiểm tra
Các nhân viên của BEP sẽ kiểm tra từng
tờ tiền được in ra nhằm phát hiện những tờ bị in lỗi. Sau khi loại bỏ
các tờ tiền lỗi, công đoạn cuối cùng sẽ được thực hiện là đánh số từng
đồng tiền và in lại thêm một lần nữa bằng mực đen.
7. Sản xuất
Mỗi năm, hàng triệu tờ tiền mới của từng
mệnh giá được in ấn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới.
Điển hình vào năm 2009, 26 triệu tờ tiền mới đã được in ra mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê, 95% số tiền in ra hàng năm được sử dụng với mục
đích thay thế cho các tờ tiền cũ.
8. Chống làm giả
Những kẻ làm giả đồng đôla Mỹ trên tòan
cầu luôn cố gắng để làm ra những phiên bản sao chép mang tính thuyết
phục nhất. Để giải quyết vấn đề này, BEP luôn cố gắng cập nhật các
phương thức bảo mật tân tiến nhất, cũng như cố gắng thu hồi những đồng
tiền cũ dễ bị làm giả. Vào thập niên 90, tiền USD sử dụng phương thức
bảo mật bao gồm hình vẽ, mực đổi màu cũng như các kĩ thuật in ấn tinh vi
nhất. Đến những năm 2000, sự ra đời của các tờ tiền mới với cập nhật
màu sắc cũng như kí tự đã khiến cho việc làm giả đồng tiền này trở nên
khó khăn hơn bao giờ hết.